Cách nấu nha đam đường phèn lá dứa không bị đắng

Cách nấu nha đam đường phèn lá dứa rất đa dạng, thường được các chị em truyền tai nhau để tự nấu tại nhà, vừa ngon lại vừa đảm bảo. Tuy nhiên, không phải công thức nào cũng cho ra món nha đam đường phèn ngon chuẩn vị không bị đắng. Nhiều người khi nấu nha đam thường gặp tình trạng đắng, nhớt, ăn không ngon… bí quyết nằm ở khâu sơ chế nha đam không phải ai cũng biết.

Bạn đang đọc: Cách nấu nha đam đường phèn lá dứa không bị đắng


Món nha đam đường phèn

Nha đam có thể chế biến thành các món tráng miệng thơm ngon, hấp dẫn như: chè đậu xanh nha đam, sinh tố nha đam, sữa chua nha đam… và không thể thiếu món nha đam đường phèn.

Nha đam tính hàn nên có tác dụng thông đại tiện, mát huyết và giải nhiệt rất tốt, dùng nha đam nấu nước uống không chỉ ngon mà còn giúp làm mát cơ thể một cách hiệu quả, nhất là trong những ngày hè nóng nực. So với việc đi mua bên ngoài với giá khoảng 5.000đ – 8.000đ/chai nhỏ, bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 30.000đ – 40.000đ để mua nguyên liệu là có thể nấu cho cả nhà uống thoải mái.


Nha đam đường phèn là loại thức uống ngọt ngon, thanh mát và có lợi cho sức khỏe

Nguyên liệu

  • Nha đam: 2 lá, nặng khoảng 500 – 600g
  • Lá dứa: 4 – 5 lá
  • Đường phèn: 250g, mua loại viên nhỏ nấu cho nhanh
  • Nước cốt chanh tươi: 15ml

Sơ chế nha đam

Bạn chuẩn bị một thau nước sạch pha loãng với chút muối.

Nha đam sau khi mua về bạn rửa sơ dưới vòi nước sạch cho hết đất cát, sau đó gọt bỏ hàng gai hai bên rồi cắt khúc. Dùng dao sắc gọt bỏ phần vỏ bên ngoài, lưu ý phải gọt sạch phần vỏ xanh thì nha đam mới không bị đắng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên gọt phạm quá sẽ làm hao lượng nha đam.


Cắt nha đam thành từng khúc nhỏ rồi gọt vỏ cho dễ

Sau khi gọt sạch vỏ, bạn cho các miếng nha đam vào ngâm trong thau nước muối khoảng 5 phút, bước này giúp lại bỏ độc tố và giảm nhớt của nha đam.Tiếp đó, rửa lại bằng nước sạch vài lần cho sạch nhớt, đem ngâm xả thêm một lần nữa cho sạch.


Nha đam gọt xong rất nhớt nên cần phải sơ chế tiếp

Vớt nha đam ra ngoài, để ráo nước.

Cắt nhỏ nha đam

Cho nha đam lên thớt, dùng dao cắt thịt nha đam thành những hạt lựu nhỏ vừa ăn. Lưu ý, cắt nha đam sao cho kích thước đều và đẹp.

Sau khi cắt hết nha đam, bạn cho vào tô lớn rồi đổ 15ml nước cốt chanh vào trộn đều. Ngâm như vậy từ 3 – 5 phút để loại bỏ nhớt rồi rửa lại với nước sạch, để ráo.

Chần nha đam với nước sôi

Chuẩn bị 1 tô (hoặc thau nhỏ) nước đá lạnh, lượng nước đá chỉ chiếm khoảng ½ diện tích tô.

Bạn bắc nồi nước sạch lên bếp nấu, khi nước sôi thì cho nha đam vào, chần sơ khoảng 30 giây rồi vớt ra ngay. Trút nha đam vào tô nước đá lạnh, ngâm trong khoảng 5 – 10 phút để nha đam trắng và giòn, không còn bị nhớt hay đắng nữa.


Chần nha đam với nước sôi để loại bỏ vị đắng và chất nhớt


Sau đó ngâm ngay vào nước lạnh để nha đam được trắng, giòn


Ngâm khoảng 5 – 10 phút thì vớt ra, để ráo

Lưu ý, ngâm nha đam vào nước đá lạnh là bí quyết nấu nha đam ngon được nhiều người áp dụng. Với cách này, bạn sẽ có thành phẩm nha đam giòn ngon, hấp dẫn để nấu nước nha đam đường phèn hoặc ăn với sữa chua, trái cây và nhiều món hấp dẫn khác.

Sơ chế lá dứa

Lá dứa đem rửa sạch, rửa kỹ cả hai mặt trước sau của lá dứa để loại bỏ bụi bẩn, đất cát.

Bạn cắt lá dứa thành khúc dài khoảng 10cm, sau đó dùng một phần lá mềm buộc lại để tạo thành bó nhỏ. Làm như vậy để sau khi nấu, bạn chỉ cần một thao tác đơn giản là có thể lấy lá dứa ra ngoài. Nếu để cả lá dài hoặc cắt khúc mà không buộc lại, bạn sẽ phải vớt từng lá ra rất lâu đấy!

Nấu nha đam đường phèn

Bạn chuẩn bị một chiếc nồi lớn. Đầu tiên, bạn cho khoảng 2,5 lít nước vào nồi, sau đó cho đường phèn và lá dứa vào, nấu với lửa lớn. Trong khi nấu, thi thoảng dùng muôi khuấy đều để đường phèn tan nhanh hơn (nếu dùng loại đường phèn viên lớn).

Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn cách làm da gà chiên nước mắm thơm ngon xuất sắc


Dùng đường phèn loại nhỏ nấu sẽ nhanh tan hơn

Nêm nếm độ ngọt của nồi nước xem đã vừa vị hay chưa, lưu ý là bạn nên nêm ngọt một chút vì lát nữa còn thêm nha đam vào, nha đam sẽ tiết ra một lượng nước nữa.

Lưu ý khi nấu đường phèn: Nếu bạn sử dụng đường phèn dạng viên lớn để nấu thì khi đường tan, nồi nước có thể sẽ có cặn (cặn và các sợi chỉ nhỏ trong viên đường phèn). Việc cần làm lúc này là tắt bếp, vớt lá dứa ra ngoài, đợi cho cặn lắng xuống thì lọc sang chiếc nồi khác để lấy phần nước trong. Làm như vậy thì khi uống bạn sẽ thấy nước nha đam trong và sạch.

Khi đường phèn tan hết, lá dứa tạo mùi thơm thoang thoảng, bạn nhẹ nhàng trút hết nha đam vào nồi, khuấy nhẹ tay, nấu thêm vài phút cho nồi nước sôi lại thì tắt bếp.


Không nên nấu nha đam lâu quá vì nha đam sẽ bị ngót và mất đi độ giòn

Vớt lá dứa ra ngoài, để nồi nha đam nguội hẳn rồi múc ra thưởng thức.


Thành phẩm nha đam đường phèn sau khi nấu

Yêu cầu thành phẩm

  1. Nước nha đam đường phèn trong, có mùi thơm thoang thoảng của lá dứa.
  2. Nước nha đam có vị ngọt thanh nhẹ, thơm mát.
  3. Nha đam trắng giòn, không bị đắng hay nhớt.


Ly nha đam đường phèn mát lạnh sẽ là thức uống bổ dưỡng không thể bỏ qua trong mùa hè này

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Dùng nha đam tươi, bạn chọn những lá nha đam to và dày, thịt trải đều từ đầu đến cuối. Chọn nha đam dày thịt để khi gọt vỏ có thể lấy được nhiều thịt bên trong, nha đam cũng tươi, giòn và ngon nhất.


    Chọn những lá nha đam thuôn dài và dày thịt

  • Không nên chọn nha đam quá nhỏ hoặc đã bị sâu, dập. Nha đam có kích thước lớn nhưng mỏng, thịt dồn vào phần đầu cũng không phải là lựa chọn đúng đắn. Nếu có nha đam tự cắt trong vườn là tốt nhất, không có thì hãy mua ở siêu thị hoặc các cửa hàng bán thực phẩm sạch.
  • Lá dứa là nguyên liệu được dùng với mục đích tạo mùi hương cho món nha đam đường phèn, giúp món nước nha đam trở nên hấp dẫn hơn. Bạn nên chọn lá dứa bánh tẻ có màu xanh sẫm, chỉ mua những lá còn tươi, không nẫu úa hay dập nát.
  • Đường phèn là đường chưa qua tinh chế nên rất mát và có vị thanh hơn so với các loại đường khác, chính vì vậy thường được dùng để nấu chè. Đối với loại đồ uống này, đường phèn sẽ giúp món nước có vị ngọt thơm, thanh mát chứ không hắc như khi sử dụng đường cát thông thường.
  • Đường phèn có loại viên lớn, viên vừa, viên nhỏ và đường nghiền nát. Về chất lượng thì các loại đều như nhau nhưng nấu đường nhỏ sẽ nhanh hơn.


    Đường phèn có nhiều loại nhưng chủ yếu là loại viên lớn

  • Nếu thích ăn nhiều nha đam, bạn có thể chuẩn bị thêm nha đam để nấu.
  • Lượng đường phèn có thể thay đổi cho phù hợp với khẩu vị. Lưu ý, bạn không được dùng đường cát trắng để thay thế đường phèn khi nấu nước nha đam nhé!

Thông tin thêm

Thưởng thức nha đam đường phèn như thế nào?

Nha đam sau khi nguội hẳn bạn múc ra ly hoặc chén. Nếu thích, bạn có thể cho thêm một chút vani để tạo độ thơm ngon, hấp dẫn. Khi uống hãy cho thêm đá bào, vài lá bạc hà và miếng chanh tươi, vừa giúp món nước thêm đẹp lại đem đến hương tuyệt vời nhất.

Để bảo quản, bạn hãy cho nước nha đam vào các hũ thủy tinh nhỏ hoăc chai nhựa rồi cất trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn có thể dùng trực tiếp hoặc đổ ra ly, chén tùy ý. Bằng cách này, bạn có thể bảo quản nước nha đam để dùng trong khoảng 3 – 4 ngày.


Bạn có thể cho nha đam vào các hũ thủy tinh nhỏ để dùng dần

>>>>>Xem thêm: Cách làm chân gà xào chua ngọt nhắc tới là đã thèm quá rồi


Hoặc cho vào chai nhựa lớn nhưng nhớ là phải nắp kín nhé!

Nước nha đam đường phèn nếu uống lần đầu sẽ khó uống nhưng khi quen lại dễ bị nghiện, không chỉ giúp giải thiệt mà còn chăm sóc làn da, vóc dáng một cách hiệu quả. So với các loại nước ngọt thông thường, nước nha đam vừa ngon vừa bổ, an toàn mà lại tiết kiệm nhiều chi phí.

Bạn có thể uống để giải khát, uống để thanh nhiệt hay làm đẹp làn da… thích hợp với tất cả mọi người. Cách nấu nha đam đường phèn với 5 bước thực hiện đơn giản, không tốn nhiều thời gian hay công sức thực hiện, bạn có thể làm cho gia đình thưởng thức hoặc nấu bán tại nhà.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *