Bánh da lợn sở hữu hương vị thơm ngon đặc biệt nên được nhiều người yêu thích. Bài viết này sẽ chia sẻ cách làm bánh da lợn đậu xanh lá dứa chi tiết nhất để giúp chị em có thể tự làm tại nhà theo chuẩn của người dân Nam Bộ.
Bạn đang đọc: Chi tiết cách làm bánh da lợn đậu xanh lá dứa đơn giản tại nhà mà ngon
Món bánh da lợn
Phần bánh màu xanh
- Bột gạo: 80 gram
- Nước cốt dừa: 200 ml
- Bột năng: 240 gram
- Đường kính trắng: 100 gram
- Lá dứa xanh: 15 lá
- Vôi ăn trầu: 50 gram
- Hoặc hương lá dứa (Pandan Leaf)
Phần bánh màu vàng
- Đậu xanh: 100 gram
- Bột gạo: 35 gram
- Bột năng: 50 gram
- Nước cốt dừa: 200 ml
- Đường kính trắng: 100 gram
- Vani: 1 ống nhỏ
Làm sạch lá dứa
Lá dứa chính là nguyên liệu để tạo nên màu xanh cho lớp bánh da lợn. Để phần bánh màu xanh này đẹp mắt và thơm ngon thì bạn nên chọn những lá dứa tươi, dài, đậm màu, khi cầm lên chưa đưa đến gần thì đã ngửi thấy mùi thơm rồi.
Nếu không mua được lá dứa, bạn có thể mua tinh dầu lá dứa (Pandan Leaf) để thay thế. Bạn có thể tìm thấy chúng ở các siêu thị lớn. Sử dụng Pandan Leaf sẽ tiết kiệm thời gian hơn, bạn không cần phải sơ chế lá dứa để lọc tinh dầu nhưng thay vào đó phần bánh màu xanh sẽ không được thơm ngon như khi sử dụng lá dứa tự nhiên.
Sau khi mua lá dứa về, bạn đem rửa sạch với 3 lần nước rồi vớt ra rổ để ráo nước. Sau đó, bạn dùng kéo hoặc dao cắt thành nhiều khúc ngắn để bước sau đem xay lấy tinh dầu được dễ dàng hơn.
Cắt nhỏ lá dứa để dễ dàng xay nhuyễn
Làm nước vôi trong
Ngoài việc chọn lá dứa tươi và sậm màu thì khi xay lá dứa, bạn nên sử dụng thêm nước vôi trong để đảm bảo phần bánh màu xanh làm ra có màu đẹp mắt nhất. Ngoài ra, nước vôi trong cũng giúp bánh da lợn thêm giòn và dai rất ngon.
50 gram vôi ăn trầu bạn cho vào một âu nhỏ, bóp mịn và cho thêm 1 lít nước lạnh vào hòa tan. Sau đó, bạn để yên cho lớp bột cặn lắng xuống dưới đáy. Khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ sau, bạn trút lấy phần nước vôi trong ở trên và bỏ phần cặn ở dưới để tránh làm lợn cợn cho phần bánh.
Lọc lấy nước vôi trong để xay cùng lá dứa
Xay lá dứa lấy tinh dầu
Phần tinh dầu lá dứa sau khi xay xong sẽ được đem trộn với bột để tạo màu xanh bắt mắt cho phần bánh. Nếu sử dụng tinh dầu lá dứa bán sẵn thì bạn hãy bỏ qua bước 1, 2 ở trên và 3 này nhé.
Lá dứa sau khi đã được làm sạch và cắt nhỏ, bạn cho vào máy xay sinh tố cùng phần nước vôi trong đã được lọc ở trên rồi bấm nút để xay nhuyễn. Sau đó, bạn trút hỗn hợp này sang rây, bỏ bã để lấy phần nước cốt được mịn màng, khi dùng làm bánh không bị lợn cợn.
Phần nước cốt lá dứa bạn cho vào tủ lạnh để ít nhất 6 tiếng đồng hồ, tốt nhất là để qua đêm cho phần tinh dầu lá dứa đậm đặc được lắng xuống phía dưới. Sau đó, bạn lọc bỏ phần nước xanh nhạt ở trên đi, giữ lại phần tinh dầu lá dứa đậm đặc ở đáy âu.
Thay vì sử dụng hết phần nước cốt thì chúng ta sẽ chỉ sử dụng phần tinh dầu đậm đặc phía dưới đáy âu thôi. Nguyên nhân là khi tạo màu, phần tinh dầu này sẽ tạo cho bánh có màu xanh bắt mắt, đậm, đẹp tự nhiên hơn. Ngoài ra, bánh sẽ có mùi thơm nồng lá dứa và không bị đắng nữa.
Xay nhuyễn mịn lá dứa
Làm nước cốt dừa
Nước cốt dừa là một nguyên liệu không thể thiếu trong công thức làm bánh da lợn. Mục đích sử dụng nguyên liệu này là để tạo độ béo, ngon, ngọt cho bánh.
Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể tìm mua loại nước cốt dừa được đóng hộp, bán sẵn ở các chợ hay siêu thị.
Tuy nhiên, nếu bạn không tìm mua được nước cốt dừa sẵn thì cũng có thể tự làm theo các bước dưới đây:
Bạn mua 2 trái dừa già rồi trút nước và lấy phần cùi ra. Sau đó, bạn dùng dao cắt phần cùi thành từng hạt nhỏ hoặc dùng nạo bào thành sợi để cho dễ xay nhuyễn.
Cho toàn bộ phần cùi và phần nước dừa vào máy xay cùng 500ml nước lọc. Xay cho đến khi cùi dừa nhuyễn mịn thì bạn tắt máy và lọc qua rây để bỏ bớt lợn cợn.
Bạn trút phần nước dừa ở trên vào một nồi nhỏ và bắc lên bếp đun chín rồi tắt bếp. Để tạo độ đậm đặc cho nước cốt, bạn nhớ cho thêm chút xíu muối vào nồi trong khi đun.
Lọc lấy nước cốt dừa
Tạo bột làm phần bánh da lợn màu xanh
Bạn cho tất cả những nguyên liệu đã chuẩn bị để làm phần bánh màu xanh ở trên vào chung một âu, bao gồm: 240 gram bột năng, 80 gram bột gạo và 100 gram đường. Đồng thời, bạn lọc lấy 200ml nước cốt dừa, 200ml nước lá dứa đã nấu, cho vào cùng rồi khuấy đều đến khi thu được hỗn hợp lỏng mịn.
Nếu như bạn sử dụng Pandan Leaf bán sẵn thì ở công thức này, bạn chỉ cần cho khoảng 1 muỗng cà phê để thay thế cho 200ml nước lá dứa là được. Hỗn hợp cũng sẽ có màu xanh bắt mắt như khi sử dụng tinh dầu lá dứa tự nhiên.
Ngoài ra, tùy theo sở thích của mỗi người mà bạn quyết định có nên dùng bột gạo hay không. Nếu thích miếng bánh da lợn dẻo quánh thì bạn chỉ sử dụng bột năng mà thôi. Còn nếu thích bánh da lợn vừa dai vừa giòn thì nên sử dụng thêm bột gạo.
Tìm hiểu thêm: Cách làm bim bim khoai tây tại nhà bằng cách chiên hoặc lò nướng
Hỗn hợp bột màu xanh
Nấu chín đậu xanh
Từ bước này là bắt đầu làm phần bánh màu vàng
Nếu như màu xanh của bánh da lợn được tạo nên từ lá dứa thì màu vàng của bánh sẽ được tạo nên từ đậu xanh. Đậu xanh sau khi mua về, bạn đem ngâm với nước lạnh khoảng 3 tiếng đồng hồ cho nở mềm, khi nấu sẽ dễ chín hơn.
Sau khi ngâm đủ thời gian, bạn mang đãi hết vỏ, cho vào nồi cùng với 300ml nước rồi cho lên bếp đun với mức lửa nhỏ khoảng 30 phút cho đến khi cạn nước, hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm chín đậu xanh bằng cách cho vào nồi cơm điện và đun chín như cách nấu cơm thông thường.
Nấu chín đậu xanh để dễ xay nhuyễn
Xay đậu xanh
Khi đậu xanh đã chín, bạn cho luôn vào máy xay sinh tố cùng 200ml nước cốt dừa để xay nhuyễn, khi ăn bánh sẽ không bị lợn cợn. Nước cốt dừa ở đây không chỉ giúp xay nhuyễn đậu xanh dễ dàng hơn mà còn giúp tạo độ béo ngọt cho bánh. Ngoài ra, ở bước này bạn cũng nên lưu ý là xay đậu xanh lúc còn nóng, chớ nên đợi nguội vì khi đậu xanh nguội sẽ rất khó để xay.
Nếu như không có máy xay sinh tố, bạn cũng có thể dùng cối và chày để thay thế và làm mịn đậu xanh. Tuy nhiên, với cách này thì bạn giã nhuyễn đậu xanh trước rồi sau đó mới cho nước cốt dừa vào khuấy đều lên nhé.
Xay nhuyễn đậu xanh bằng máy xay sinh tố
Tạo bột làm phần bánh màu vàng
Bạn trút hỗn hợp đậu xanh và nước cốt dừa qua rây lọc để loại bỏ các phần lợn cợn. Sau đó, cho thêm 50 gram bột năng, 30 gram bột gạo, 100 gram đường và 1 ống vani để tạo độ thơm vào chung rồi khuấy đều cho đến khi thu được hỗn hơp lỏng mịn.
Hỗn hợp bột màu vàng
Hấp bánh da lợn
Bước 1: Bạn chuẩn bị một khuôn inox hình tròn, có đường kính khoảng 8cm rồi thoa một lớp dầu ăn lên thành và đáy để sau khi chín, bánh sẽ không bị dính và chúng ta sẽ dễ dàng lấy bánh ra.
Bước 2: Chuẩn bị một xừng hấp, đổ nước vào và bắc lên bếp đun sôi. Khi nước sôi, bạn cho khuôn làm bánh không vào rồi đậy nắp, làm nóng trước 5 phút. Mục đích của bước này là làm cho khuôn bánh được nóng đều, khi đổ bột vào sẽ chín đều hơn.
Bước 3: Bạn múc khoảng 30ml hỗn hợp bột màu xanh ở phần A cho vào khuôn hấp. Vì lớp bột đầu tiên thường sẽ nấu lâu chín nên màu thường vị sậm và lớp bánh dễ bị khô. Do đó, để khắc phục tình trạng này, trước khi đổ hỗn hợp bột màu xanh vào hấp chín, bạn hãy cho 1 muỗng cà phê nước cốt lá dứa vào tráng đều.
Lớp bánh da lợn đầu tiên
Bước 4: Bạn đậy kín nắp và hấp trong khoảng 5 phút, tính từ khi đổ bột vào và đậy nắp lại. Sau đó, bạn mở nắp ra và kiểm tra xem bánh đã chín hay chưa, bằng cách ấn nhẹ tay lên bề mặt bánh, cảm thấy bánh có độ đàn hồi (ấn xuống, nẩy lên) là được.
Bước 5: Vì trong quá trình hấp, nước sẽ bốc hơi lên, động lại trên thành nắp và rơi xuống bề mặt bánh. Nên nếu thấy có nước trên bề mặt bánh, bạn hãy dùng muỗng canh múc sạch lớp nước này đi để sau khi cho lớp bánh tiếp theo lên sẽ dính vào nhau. Ngoài ra, trong quá trình hấp, bạn cũng nên thi thoảng dùng khăn lau sạch lớp nước động lại trên nắp để tránh tình trạng nước rơi xuống bánh.
Bước 6: Bạn múc khoảng 45ml hỗn hợp bột màu vàng ở phần B và đổ vào khuôn bánh, phía trên lớp bánh màu xanh vừa được nấu chín. Bạn có thể thấy, lượng bột màu xanh và lượng bột màu vàng được lấy không bằng nhau. Sở dĩ, nếu lấy bằng nhau thì khi bánh làm ra, chúng ta sẽ có cảm giác lớp bánh màu vàng sẽ bị mỏng hơn so với lớp bánh màu xanh, như thế nhìn sẽ không đều và bắt mắt.
Cho lớp bột thứ 2 lên
Bước 7: Lớp bánh này bạn hấp trong khoảng 6 phút cho chín đều rồi tiếp tục cho hỗn hợp bột màu xanh vào hấp chín rồi đến hỗn hợp bột màu vàng. Lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi 1 trong 2 hỗn hợp hết thì dừng lại. Và các bạn lưu ý, thời gian hấp chín lớp bột sau sẽ lớn hơn thời gian làm chín lớp bột trước là 1 phút vì càng lên cao thì bột sẽ khó làm chín hơn.
Thưởng thức bánh
Bước 1: Sau khi hấp bánh chín, bạn đem khuôn bánh ra khỏi xừng hấp và cho ngay vào âu nước đá, ngâm trong khảng 1 tiếng đồng hồ. Thao tác này không những làm cho bánh nhanh nguội hơn mà còn giúp bánh đạt độ giòn như ý muốn.
Bước 2: Bạn thoa một lớp dầu ăn mỏng lên dao để khi cắt bánh, dao không bị dính, miếng bánh sẽ đẹp mắt và không bị bể cạnh. Sau đó, bạn tiến hành cắt bánh thành những hình dạng tùy thích rồi mời mọi người thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm
- Bánh da lợn đạt chuẩn là khi các lớp bánh rõ ràng, đều đặn, tầng tầng lớp lớp, dính chặt vào nhau, vàng, xanh xen kẽ trông rất bắt mắt.
- Ngoài ra, bánh cũng phải mịn mượt, không bị bở. Khi ăn dai giòn, thơm mùi lá dứa, nước cốt dừa, độ ngọt vừa phải.
>>>>>Xem thêm: Cách làm canh bầu nấu tôm giúp giải nhiệt mùa hè oi bức
Từng lớp bánh da lợn rõ ràng, đều đặn