Cách làm bánh nhãn ngon như đặc sản Hải Hậu Nam Định cho ngày Tết

Cách làm bánh nhãn cực ngon nhưng đơn giản, chỉ cần khéo léo một chút là có thể làm được. Với công thức này, bạn có thể tự tin tạo ra một mẻ bánh vàng ươm, giòn tan và thơm phức để chiêu đãi cả nhà!

Bạn đang đọc: Cách làm bánh nhãn ngon như đặc sản Hải Hậu Nam Định cho ngày Tết


Món bánh nhãn

Bánh nhãn là đặc sản nổi tiếng của Nam Định. Gọi là bánh nhãn không phải vì bánh được làm từ trái nhãn, lý do vì bánh tròn tròn xinh xinh giống hệt trái nhãn mà thôi. Ngoài ra, bánh nhãn còn được gọi với cái tên khác là bánh bi, bánh cà.

Bánh nhãn được yêu thích bởi hình dáng nhỏ xinh cùng hương vị thơm ngon tuyệt vời. Bánh được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo, đường, sữa, trứng… đem chiên nên rất giòn, vị thơm phức, ngọt bùi nhưng không hề bị ngán.


Bánh nhãn là đặc sản nổi tiếng của Nam Định

Bánh nhãn là món quà vặt phổ biến của người dân miền Bắc, ngoài ra nó còn xuất hiện trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm. Bánh ngon, đẹp, dễ làm lại bảo quản được lâu, rất thích hợp để ăn vặt, mời khách hoặc làm quà tặng…

Nguyên liệu

  • Bột gạo nếp: 135g
  • Trứng gà: 2 quả
  • Bột nở: ¼ muỗng
  • Muối: 1 muỗng
  • Dầu ăn: 1 muỗng
  • Đường cát trắng: 1 muỗng
  • Nước cốt dừa: 1 lon khoảng 80 – 100ml
  • Nguyên liệu phần nước đường áo bánh: 100g đường cát trắng, 30ml nước và một chút muối

Trộn bột

Trứng gà đập ra tô, gạn lấy 2 lòng đỏ, phần lòng trắng bỏ đi hoặc tận dụng để chế biến món ăn khác. Bạn cho bột nếp, bột nở và muối vào tô, trộn thật đều rồi cho lòng đỏ trứng vào. Trộn cho bột ướt trứng rồi mang bao tay nilong nhào đều. Tiếp đó, bạn đổ từ từ nước cốt dừa vào tô, vừa đổ vừa nhào cho đến khi bột mịn dẻo và không dính tay là được.

Bạn lưu ý phải nhào thật kỹ để các nguyên liệu hòa quyện, tuyệt đối không để bột bị vón. Thời gian nhào bột khoảng 10 – 12 phút thì sẽ đạt yêu cầu. Cuối cùng, bạn lấy màng bọc thực phẩm bọc kín miệng tô lại, để yên 20 phút cho bột nghỉ.


Cho bột nếp, bột nở và muối vào tô, trộn thật đều rồi mới cho lòng đỏ trứng vào


Màu sắc của bột phụ thuộc vào lượng lòng đỏ trứng sử dụng, bạn có thể cho thêm để tạo màu đẹp mắt

Lưu ý:

+ Lòng đỏ trứng gà có tác dụng tạo màu đẹp mắt và giúp bánh có vị thơm bùi hấp dẫn. Với cách làm bánh nhãn, bạn có thể dùng cả lòng đỏ và lòng trắng, tuy nhiên dùng lòng đỏ sẽ giúp bánh có màu vàng đẹp hơn.

+ Khi nhào bột, nếu thấy bột khô quá bạn có thể cho thêm chút lòng trắng hoặc lòng đỏ vào trộn đều cho bột dẻo.

+ Trước khi trộn chung với trứng, bạn nên rây hỗn hợp bột để lấy phần mịn nhất, sau đó trộn với trứng rồi tiến hành nhào bột.  Làm như vậy, thành phẩm bánh nhãn của bạn sẽ có lớp vỏ ngoài nhẵn mịn, đẹp mắt.

Nặn bánh nhãn

Sau 20 phút ủ bột, bạn lấy bột ra ngoài để chuẩn bị làm bánh. Cách làm bánh nhãn không khó, bạn lấy từng chút bột ra tay, vo thành viên bột nhỏ như trái nhãn, làm lần lượt cho đến khi hết bột thì thôi. Khi nặn từng viên bột, bạn phải lưu ý lấy lượng bột vừa đủ và cân đối để nặn thành những viên có kích thước bằng nhau, đều và đẹp.


Nặn hết bánh rồi mới đem đi chiên

Lưu ý, bạn có thể làm viên bánh to hoặc nhỏ tùy ý, tuy nhiên nếu to quá khi chiên sẽ khó giòn, hình dáng cũng không giống trái nhãn.

Chiên bánh nhãn

Chiên bánh nhãn thì phải chiên ngập dầu, có như vậy bánh mới vàng giòn từ ngoài vào trong.

Bạn bắc chảo lên bếp, khi chảo nóng thì cho dầu ăn vào đun sôi (lượng dầu vừa đủ để chiên ngập bột). Tiếp đó, bạn cho các viên bột vào chiên với lửa vừa (không nên cho nhiều quá vì bánh còn nở ra), nếu để lửa lớn bánh sẽ dễ bị nổ. Thi thoảng đảo nhẹ để bánh chín đều.

Chiên cho đến khi bánh có màu vàng nhạt và nổi lên trên, gắp 1 viên ăn thử thấy bánh khô và giòn, bột bên trong khôngcòn ướt là đã chín. Lúc này, bạn dùng rây vớt bánh ra rồi đổ vào đĩa có lót giấy thấm dầu.

Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn cách làm món bò nướng tảng thơm ngon như nhà hàng


Nên chiên bánh trong chảo lòng sâu để tiết kiệm dầu


Thành phẩm bánh nhãn sau khi chiên

Để bánh ráo dầu và nguội hẳn mới cho vào áo đường nhé! Nếu bánh còn nóng mà áo đường thì bánh bị ỉu, dai ăn không ngon, đường sẽ không kết tinh như mong muốn.

Áo đường cho bánh nhãn

Cho đường, nước và muối ở phần nước đường vào chảo hòa tan (nên sử dụng chảo chống dính).

Bắc chảo lên bếp nấu, vừa nấu vừa khuấy khoảng 5 – 7 phút cho đến khi đường sánh thì trút bánh nhãn vào. Bạn dùng muôi trộn đều rồi hạ lửa nhỏ, tiếp tục sên cho đến khi đường kết tinh và bám đều lên bánh nhãn. Tiếp tục đảo cho đến khi đường kết tinh và khô lại là được.


Vừa nấu vừa đảo đều cho nước đường sánh lại


Sau đó trút bánh nhãn vào sên


Thành phẩm bánh nhãn sau khi áo đường

Khi bánh đã khô, đường kết tinh hoàn toàn, bạn cho bánh ra đĩa, để nguội rồi thưởng thức. Bánh nhãn sẽ rất tuyệt vời khi dùng chung với ấm trà nóng, ngồi xem phim hay nhâm nhi trò chuyện rất thích hợp.

Mẹo & lưu ý (Footnotes)

  • Khi nấu nước đường bạn không nên đun lâu, tránh để nước đường chuyển sang màu nâu, nếu như vậy đường bám trên bánh sẽ là màu nâu chứ không phải màu trắng (bánh màu vàng đường màu nâu sẽ không đẹp mắt, khi ăn còn có thể hơi đắng do đường bị cháy).
  • Khi chiên bánh nên để lửa vừa, tuy hơi lâu nhưng bánh sẽ không bị nổ, giòn từ ngoài vào trong. Bánh phải khô và giòn, không có tí dẻo nào bên trong thì mới đạt yêu cầu. Khi bánh đủ giòn ăn sẽ rất xốp, để được lâu và không bị ỉu, dai.
  • Nếu không thích ăn ngọt, sau khi chiên xong bước 3 bạn có thể ăn luôn mà không cần thực hiện bước 4. Bạn có thể điều chỉnh lượng đường cho phù hợp với khẩu vị của mình.
  • Cách làm bánh nhãn khá linh động, bạn có thể sử dụng sữa đặc để tăng thêm hương vị cho bánh, hoặc có thể dùng thêm hương vani/dầu chuối/dầu bưởi khi áo đường…
  • Người Nam Định có bí quyết làm bánh nhãn ngon là sử dụng mỡ heo để chiên bánh. Vậy nên, nếu tiện bạn có thể dùng mỡ chiên tùy ý.

Cách bảo quản

Sau khi làm xong bạn phải để bánh nguội hẳn, sau đó cho vào hộp kín hoặc túi nilong đậy kín, bảo quản nơi khô thoáng để dùng lần. Bánh nhãn nếu bảo quản đúng cách sẽ để được rất lâu, tuy nhiên bạn chỉ nên dùng trong khoảng 1 – 2 tuần để thưởng thức vị bánh thơm ngon, giòn xốp nhất. Khi ăn, bạn mở hộp/túi, lấy một ít bánh ra đĩa rồi buộc ngay lại, nếu để bánh tiếp xúc nhiều với không khí bên ngoài sẽ rất nhanh ỉu, dai.

Thông tin thêm

Bánh nhãn sau khi làm xong phải có màu vàng ruộm đẹp mắt, bên ngoài được bao phủ bởi lớp đường trắng nhỏ, mịn.

Bánh có kích thước đều nhau, nhỏ nhỏ xinh xinh như một trái nhãn.

Khi ăn, bánh rất thơm và xốp, nổi bật nhất là mùi thơm của trứng và vị béo của nước cốt dừa. Bánh khô, giòn tan từ trong ra ngoài, vị ngọt hài hòa, dễ ăn.

>>>>>Xem thêm: Cách làm vịt rang muối ngon tại nhà, ăn bùi ngậy ai cũng thích


Bánh nhãn dùng với trà nóng rất thích hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *