Vịt nấu măng tươi là món ăn phổ biến của người Việt Nam, hương vị thơm ngon và cách làm dễ thực hiện. Nếu vịt nấu măng khô đem đến vị giòn hơi dai thì món vịt nấu măng tươi lại giúp chúng ta cảm nhận được vị giòn ngọt, thanh mát và có chút chua nhẹ của măng tươi.
Bạn đang đọc: Cách làm món vịt nấu măng tươi ăn bún ngon miễn chê, cả nhà thích
Món vịt nấu măng tươi
Vịt nấu măng tươi là sự kết hợp hoàn hảo giữa thịt vịt và măng tươi, thịt vịt thơm ngọt, béo ngậy lại có tính mát, măng tươi giòn sần sật, vị chua nhẹ đặc trưng, thêm chút rau gia vị làm dậy hẳn mùi thơm đặc trưng của cả món ăn. Vịt nấu măng tươi có thể ăn cùng cơm nóng nhưng kết hợp với bún tươi là ngon nhất, vì lẽ đó mà người ta còn gọi món vịt nấu măng là bún măng vịt. Thông thường, để thưởng thức một tô bún măng vịt ở ngoài hàng, bạn phải trả từ 30 – 50.000 đồng, vậy tại sao bạn không mua nguyên liệu để tự chế biến món ăn tại nhà, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho cả gia đình đấy!
Vịt nấu măng tươi có nguyên liệu chính là thịt vịt, măng tươi, bún, rau thơm, gia vị… đó đều là những nguyên liệu dễ mua, dễ tìm. Cách làm vịt nấu măng tươi cũng không khó thực hiện, quan trọng nhất là khâu sơ chế măng, sơ chế vịt và nấu nước dùng. Nếu bạn vẫn chưa biết cách làm vịt nấu măng tươi thì hãy lấy giấy bút ra để ghi lại công thức này nhé! Vào những dịp lễ, cuối tuần hay khi rảnh rỗi, vào bếp làm vịt nấu măng tươi cho cả gia đình thưởng thức thì còn gì ý nghĩa hơn phải không nào?
Hãy vào bếp cùng Bloganngon.edu.vn để khám phá bí quyết làm vịt nấu măng tươi ngon chuẩn vị nhé!
Nguyên liệu
- Vịt sống: 1 con, nặng khoảng 1 – 1,5kg
- Măng tươi: 500g
- Chanh tươi: 1 trái
- Hành lá: 1 bó nhỏ
- Gừng tươi: 1 củ
- Rau mùi tàu: 1 bó nhỏ
- Rượu trắng: 100 ml
- Tỏi khô: 1 củ
- Hành khô: 3 củ
- Bún tươi: 1kg
- Các gia vị nêm nếm thường dùng: dầu ăn, muối, hạt nêm, đường, hạt tiêu…
Sơ chế nguyên liệu
Cạo vỏ 1 nhánh gừng tươi, đập dập, băm nhỏ rồi trộn với ½ chén rượu trắng.
Thịt vịt sau khi sơ chế sạch, bạn cần phải khử mùi hôi (thịt vịt có mùi hôi đặc trưng, nếu không loại bỏ mùi hôi sẽ làm giảm hương vị của cả món ăn). Bạn dùng chanh và muối hạt chà xát lên toàn bộ thân vịt, cả bên trong và bên ngoài nhiều lần, sau đó rửa lại với nước. Tiếp theo, bạn lấy hỗn hợp rượu gừng chà xát lên thân vịt thật kỹ để khử mùi hôi, cuối cùng rửa lại với nước rồi để ráo.
Lưu ý, bạn nên cắt bỏ phần tĩ ở chỗ phao câu vịt, nếu các lỗ chân lông của vịt có chất nhầy màu đen còn xót lại thì phải rửa thật kỹ cho bằng hết vì đây là nguyên nhân chính gây nên mùi hôi của vịt.
Vịt sau khi rửa sạch, bạn chặt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Nếu có tiết vịt, bạn có thể cắt thành miếng, chần quan nước sôi để loại bỏ chất bẩn và giúp tiết đông lại thành khối.
Chặt vịt thành những miếng nhỏ vừa ăn
Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, thái khúc nhỏ.
Mùi tàu nhặt gốc, rửa sạch, thái khúc nhỏ.
Hành khô, tỏi khô bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
1 nhánh gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, thái lát.
Áp chảo cho thịt vịt ra bớt mỡ
Bắc chảo lên bếp với một chút dầu ăn, khi dầu nóng bạn cho thịt vịt chặt nhỏ vào áp chảo cho đến khi phần da ra bớt mỡ, miếng thịt săn lại và có màu vàng nâu đẹp mắt. Gắp vịt vào rây, để ráo dầu. Bước này giúp món ăn không bị ngán ngấy do nhiều mỡ và có tác dụng làm cho thịt vịt thơm ngon hơn. Nếu thịt vịt nhiều nạc, săn chắc thì có thể bỏ qua bước này.
Ướp vịt với các gia vị
Cho thịt vịt áp chảo vào tô lớn, thêm khoảng 2 muỗng nước mắm, 2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê đường, ½ lượng hành băm, tỏi băm. Trộn đều hỗn hợp cho vịt ướt và thấm gia vị. Ướp vịt trong khoảng 30 phút, bạn có thể đảo thường xuyên khi ướp để vịt thấm gia vị đậm đà hơn.
Thịt vịt sau khi áp chảo được đem ướp với các loại gia vị
Luộc măng
Măng tươi mua về rửa thật sạch, bạn cho vào nồi luộc chín để loại bỏ vị đắng, nếu thấy măng vẫn còn đắng, bạn có thể chần qua nước sôi thêm vài lần.
Xả măng bằng nước lạnh cho măng nguội, sau đó bạn xé măng thành những sợi mỏng vừa ăn.
Xé măng thành sợi nhỏ vừa ăn
Xào măng cho thấm gia vị
Bắc chảo lên bếp với chút dầu ăn, phi thơm tỏi băm, cho măng vào xào chín rồi nêm thêm chút hạt nêm cho đậm đà. Xào măng tươi trước khi nấu sẽ giúp măng thấm dầu và gia vị, khi ăn măng giòn ngọt và thơm hơn.
Tìm hiểu thêm: Cách làm mứt dâu tây dẻo ăn với bánh mì cực ngon
Xào măng để măng thấm dầu và gia vị, đồng thời thơm lừng mùi tỏi phi
Nấu măng vịt
Bạn bắc một cái nồi lớn lên bếp, phi thơm lượng hành băm còn lại rồi cho thịt vịt vào xào sơ, thêm gừng thái lát vào xào cùng vịt.
Xào thịt vịt để thịt thấm gia vị trước khi nấu
Xào thịt vịt cho đến khi thịt chín và săn lại thì đổ nước vào đun sôi (lượng nước phù hợp với lượng canh bạn muốn ăn). Hạ lửa nhỏ nấu liu riu cho thịt vịt chín mềm, khi nấu thường xuyên vớt bọt để nước dùng được trong.
Đổ nước vào nồi để nấu nước dùng
Nấu khoảng 20 – 25 phút thịt đã mềm, bạn trút hết phần măng tươi, tiết vịt thái miếng vào nồi, nấu sôi thêm khoảng 5 phút. Cuối cùng, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi vặn lửa liu riu để giữ nóng.
Nấu khoảng 25 – 30 phút cho thịt vịt chín mềm, măng thấm gia vị là xong
Thành phẩm và thưởng thức món ăn
Bạn nấu một nồi nước sôi, chần sơ bún qua nước sôi rồi cho vào tô, rắc thêm hành lá, mùi tàu thái nhỏ, cuối cùng múc nước dùng nóng, thịt vịt, măng tươi vào là đã hoàn thành.
>>>>>Xem thêm: Hướng dẫn cách làm ốc xào me dừa từ A-Z ngon miễn chê
Trình bày bún măng vịt ra tô sao cho thật đẹp mắt
Món này phải ăn nóng mới ngon, bạn có thể ăn bún măng vịt với các loại rau thơm, rau sống và chén mắm gừng để giúp tăng hương vị. Nếu ăn với cơm, sau khi nêm nếm gia vị bạn có thể tắt bếp, sau đó múc canh ra tô, rắc thêm mùi tàu, hành lá rồi thưởng thức.
Với hương vị thơm ngon đặc biệt cùng công thức chế biến đơn giản, bạn chỉ mất từ 1,5 – 2 tiếng đồng hồ để hoàn thiện món ăn cho cả gia đình. Thịt vịt có tính mát, măng tươi ngon ngọt, kết hợp với nhau sẽ tạo thành một món ăn vô cùng hấp dẫn, phù hợp với mọi thời tiết. Nếu không có măng tươi để sử dụng thường xuyên, bạn có thể dùng măng khô để làm món vịt nấu măng khô cũng được nhé!
Yêu cầu thành phẩm
- Thịt vịt chín mềm, vị ngon ngọt tự nhiên, thịt vịt không quá khô hay quá béo.
- Nước canh trong, ngọt đậm đà, có vị béo vừa phải của nước luộc vịt và vị chua nhẹ của măng tươi.
- Măng vàng ươm, chín nhưng giòn sần sật, không đắng, vị ngon ngọt đặc trưng.
Mẹo & lưu ý (Footnotes)
- Cách chọn vịt ngon để nấu măng
Theo kinh nghiệm mua vịt ngon, bạn nên chọn vịt đực vì vịt đực có thớ thịt dày, thịt thơm ngọt hơn so với vịt cái. Mua vịt trưởng thành, có kích thước 1 – 1,5 kg, vịt trưởng thành có thịt thơm ngon nhất, lông đã mọc đủ nên sơ chế rất nhanh. Bên cạnh đó, vịt đã đẻ vài lứa thịt cũng rất ngon, bạn có thể chọn mua loại vịt này. Vịt nấu măng không nên mua vịt béo vì sẽ làm món ăn bị ngán ngấy, bạn nên chọn những con vịt nặng, chắc thịt, nhiều nạc, xương vịt nhỏ.
Nếu mua vịt non, thịt vịt nhão ăn không ngon, lông măng chưa mọc đủ nên sẽ tốn hàng giờ để sơ chế. Nếu mua phải vịt già, thịt vịt sẽ bị khô, xác, không có vị thơm ngọt đặc trưng và chất dinh dưỡng cũng giảm đi rất nhiều.
Bạn nên mua vịt nuôi thả tự nhiên, không nên mua vịt nuôi công nghiệp, tốt nhất là mua vịt sống về làm hoặc nhờ người bán làm hộ rồi chế biến ngay. Đối với món vịt nấu măng tươi nói riêng và các món ăn từ thịt vịt nói chung, nên mua vịt sống để đảm bảo hương vị thơm ngon nhất, hạn chế việc mua vịt chế biến sẵn trong các siêu thị hay lò giết mổ gia cầm.
- Cách chọn măng tươi ngon
Bạn có thể dùng măng lá hoặc măng củ để nấu món này tùy ý, mua măng ở những địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng măng tươi ngon, không bị ngâm hóa chất độc hại.
Để mua măng củ tươi, bạn chọn củ có hình thô, to nhỏ đều nhau, măng thẳng, giòn nhưng không quá non hay quá già. Măng củ ngon sẽ không có các lá vàng, nát, bề mặt không có đốm lạ. Khi quan sắt bằng mắt thường, măng ngon sẽ có lớp vỏ mỏng, chất giòn, nhiều nước, có mùi thơm đặc trưng của măng tươi. Nếu măng củ có màu trắng hoặc màu vàng bất thường, đưa lên mũi thấy mùi hôi thì không nên mua vì có thể măng đã bị ngâm hóa chất.