Bài viết này hướng dẫn bạn cách nấu lẩu Thái chua cay ngon đúng điệu. Cách làm đơn giản tại nhà với gia vị sốt Tom Yum chính hiệu Thái Lan giúp bạn chế biến được món lẩu Thái có hương vị đậm đà nhất.
Bạn đang đọc: Cách nấu lẩu Thái chua cay tại nhà, đơn giản mà ngon đúng điệu
Lẩu thái
Lẩu là một trong những món ăn được nhiều người yêu thích nhất, bởi đây là sự kết hợp độc đáo của rất nhiều nguyên liệu. Từ thịt, cá, hải sản, rau củ quả… tất cả đều có thể kết hợp với nhau để tạo nên các món lẩu đa dạng.
Không chỉ được dùng trong bữa ăn hàng ngày, lẩu luôn là lựa chọn số một cho bữa ăn cuối tuần hoặc các mâm cỗ, tiệc. Hương vị thơm ngon cùng cách thưởng thức độc đáo của lẩu đem đến cho người ăn một cảm giác thú vị, là sợi dây vô hình kết nối các thành viên, tạo nên bầu không khí vui vẻ, đầm ấm cho bữa ăn đông người.
Như các bạn đã biết, có rất nhiều món lẩu khác nhau nhưng phổ biến nhất là lẩu gà, lẩu vịt, lẩu hải sản… Dù rất ngon nhưng ăn đi ăn lại thì cũng có thể nhàm chán phải không nào? Hôm nay, Bloganngon.edu.vn sẽ hướng dẫn bạn cách nấu lẩu Thái Tom Yum ngon tuyệt để làm mới thực đơn các món lẩu nhà mình nhé!
Lẩu Thái có hương vị chua chua cay cay đặc trưng không thể lẫn
Nhắc đến lẩu Thái, hẳn ai cũng nghĩ đến nồi lẩu nóng hổi với vị chua cay đậm đà – đó chính là hương vị đặc trưng của ẩm thực Thái Lan. Lẩu Thái đặc biệt nhất ở nồi nước dùng, nước dùng được ninh từ xương, nêm nếm với các loại gia vị mạnh, đặc biệt là gia vị lẩu đặc trưng của Thái nên hương vị rất đậm đà, không thể nhầm lẫn với các loại lẩu khác. Thông thường, món lẩu này được ăn kèm với tôm, thịt bò, đậu hũ, nấm và các loại rau củ… tuy nhiên bạn có thể kết hợp thêm các nguyên liệu khác tùy sở thích của mình.
Không để các bạn phải chờ lâu, ngay sau đây Bloganngon.edu.vn sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu lẩu Thái đơn giản, vị chua chua cay cay siêu ngon tại nhà, đảm bảo ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Nguyên liệu nấu lẩu Thái
Nguyên liệu nhúng lẩu
- Thịt bò: 1kg
- Tôm sú: 1kg
- Cá viên: 800g
- Đậu hũ: 4 miếng
- Bắp tươi: 2 trái, đã lột sạch vỏ
- Cải thảo: khoảng 1kg
- Rau cải các loại: bạn chuẩn bị số lượng vừa ăn theo nhu cầu của gia đình
- Nấm rơm: 500g, hoặc các loại nấm khác như: nấm đùi gà, nấm kim châm, nấm bào ngư…
- Bún tươi: 1kg, hoặc bạn có thể thay thế bằng vài gói mì ăn liền
Nguyên liệu nấu nước dùng
- Nước dùng gà hoặc heo: khoảng 3 lít
- Ớt tươi: 10 – 12 trái
- Riềng: 1 củ
- Sả: 4 củ
- Hành tây: 1 củ
- Lá chanh: 12 lá
- Cà chua chín: 2 trái
- Gia vị sốt Tom Yum: 2 muỗng cà phê, hoặc sử dụng gia vị nấu lẩu Thái cũng được
- Chanh tươi: 1 trái, vắt lấy nước cốt
- Nước mắm ngon: 4 – 6 muỗng
Nguyên liệu làm nước chấm
- Nước tương: 2 muỗng canh
- Đường: 2 muỗng cà phê
- Dầu mè: 1 muỗng cà phê
- Gia vị sốt Tom Yum: 1 muỗng cà phê (dùng để tăng hương vị, có thể dùng hoặc không cũng được)
- Ớt tươi: 2 trái
- Mè rang: 20g
Lưu ý khi chuẩn bị nguyên liệu
Định lượng nguyên liệu trên dành cho 8 người ăn, bạn có thể thêm bớt nguyên liệu tùy ý cho phù hợp với nhu cầu.
Mẹo mua thịt bò nhúng lẩu:
Thịt bò nhúng lẩu bạn có thể chuẩn bị tùy sở thích:
+ Nếu thích ăn thịt bò mềm, bạn nên chọn phần thịt thăn, vai hoặc bắp bò. Các phần thịt này khá mềm, thơm và ngọt, rất thích hợp để nhúng lẩu.
+ Nếu thích ăn gân bò, bạn có thể chọn nguyên gân hoặc phần thịt nhiều gân. Gân bò khi nhúng lẩu sẽ có vị dai, giòn đặc trưng rất hấp dẫn. Tuy nhiên, lưu ý là phải chọn đoạn gân mềm để nhúng lẩu, gân dễ thái và nhanh chín hơn, không nên chọn các phần gân dai (thích hợp chế biến các món hầm).
Dù mua thịt bò mềm hay gân, thịt nhiều gân thì bạn cũng phải mua được phần thịt tươi thì nhúng lẩu mới ngon. Thịt bò tươi sẽ có màu đỏ tươi chứ không phải đỏ sậm, thớ thịt nhỏ mịn, mỡ bò màu trắng (là thịt bò non), khi ấn tay vào thịt có độ đàn hồi, sờ không dính tay, không lạnh hay có mùi khác thường. Nếu mua được thịt bò mới mổ, thịt còn nóng hổi là tốt nhất.
Bạn có thể sử dụng nhiều phần thịt bò khác nhau
Mẹo nấu nước dùng
Nước dùng nấu nước lẩu bạn có thể tự nấu hoặc mua sẵn ngoài quán ăn, siêu thị. Bận thì nên mua sẵn về nấu cho nhanh, nếu rảnh thì có thể tự nấu tại nhà.
Thông thường, khi nấu nước dùng lẩu hoặc canh, bún, người ta thường dùng xương ống heo hoặc xương gà, chủ yếu là dùng xương ống heo (nếu dùng xương gà nước dùng sẽ trong hơn). Bạn cho phần xương đã rửa sạch vào trần qua nước sôi, đem rửa lại với nước rồi chặt miếng vừa ăn, sau đó cho vào nồi ninh 2 – 3 tiếng. Trong quá trình ninh, kể từ khi nước sôi, bạn hạ lửa nhỏ và thường xuyên vớt bọt, làm như vậy sẽ giúp nước dùng trong và ngọt hơn.
Mẹo chọn tôm
Ăn lẩu có thể dùng nhiều loại tôm khác nhau nhưng phổ biến nhất là tôm sú, vì đây là loại tôm nuôi nên chắc thịt, kích thước lớn và giá thành tương đối rẻ. Mua tôm phải chọn con còn sống, khỏe, vỏ trơn bóng, sống giữa thân tôm tươi và trong. Đó là những con tôm ngon, chắc thịt.
Tôm sú tươi ngon có giá thành tương đối rẻ, chỉ từ 160.000đ – 200.000đ/kg
Gia vị sốt Tom Yum
Gia vị sốt Tom Yum là loại gia vị nổi tiếng ở Thái Lan và các nước lân cận. Sử dụng loại gia vị này, bạn sẽ có một nồi lẩu chính hiệu Thái – chua chua, cay cay mà không phải nêm nếm nhiều.
Gia vị sốt Tom Yum hiện nay được bán phổ biến tại Việt Nam với nhiều nhãn hàng khác nhau, bạn có thể mua tại các siêu thị hoặc mua Online cũng có rất nhiều. Ví dụ:
https://www.adayroi.com/sot-lau-thai-tom-yum-paste-chai-114g-p-PRI977882
Gia vị sốt Tom Yum hiện có bán tại các siêu thị trên cả nước
Các bước nấu lẩu Thái
Sơ chế các nguyên liệu nhúng
Bắp tươi rửa sạch, cắt khúc nhỏ cỡ 3cm.
Cải thảo cắt khúc 4 – 5 cm, rửa sạch, để ráo nước.
Rau cải nhặt gốc, cắt khúc vừa ăn, rửa sạch.
Nấm cắt gốc, rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn (tùy loại nấm và kích thước nấm).
Tìm hiểu thêm: Cách làm ruốc cá hồi cho bé ăn dặm tại nhà không tanh mà thơm ngon tròn vị
Hướng dẫn sơ chế rau củ
Đậu hũ cắt thành những miếng vuông nhỏ vừa ăn, để riêng ra đĩa.
Thịt bò rửa sạch, để ráo nước, dùng dao sắc thái thịt thành những lát mỏng vừa ăn. Thái càng mỏng thịt càng nhanh chín, khi ăn mềm và thơm. Thái xong cho thịt vào đĩa.
Tôm rửa sạch, cắt bỏ đầu, đuôi, chân càng rồi xếp ra đĩa. Nếu thích ăn cả đầu tôm, bạn chỉ cần rửa sạch và cắt bớt râu, chân càng là được.
Sơ chế đậu hũ, thịt bò và tôm
Làm nước chấm
Ớt rửa sạch, bỏ đầu, bỏ hạt rồi thái nhỏ.
Bạn cho 1 muỗng cà phê gia vị sốt Tom Yum vào chén, thêm 2 muỗng canh nước tương, 2 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê dầu mè, ớt thái nhỏ và mè rang vào chén trộn đều, như vậy là đã có chén nước chấm.
Các bước pha chế nước chấm lẩu Thái
Lưu ý: Nếu không muốn dùng sốt Tom Yum, bạn thực hiện các bước còn lại tương tự.
Sơ chế các nguyên liệu nấu nước lẩu
Riềng cạo vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng.
Sả bóc lớp vỏ ngoài, cắt bỏ phần gốc và lá già bên trên, rửa sạch, cắt khúc nhỏ.
Ớt rửa sạch, bỏ đầu, bỏ hạt, thái lát nhỏ.
Lá chanh rửa sạch, thái nhỏ vừa.
Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái miếng nhỏ.
Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
Cách nấu nước lẩu Thái
Bắc nồi lẩu lên bếp, đổ nước dùng heo hoặc gà vào nấu. Khi nước sôi, bạn chuyển nồi lẩu qua bếp điện (hoặc sử dụng nồi lẩu điện cho tiện), cho thêm riềng, sả, ớt, lá chanh, hành tây và cà chua vào nồi.
Sơ chế nguyên liệu rồi tiến hành nấu nước lẩu
Tiếp đó, bạn nêm thêm 2 muỗng cà phê sốt gia vị Tom Yum, 4 – 6 muỗng canh nước mắm và nước cốt chanh vào cùng. Khuấy đều rồi nêm nếm thêm gia vị nếu cần thiết (nêm vớt bột nêm, muối).
Trình bày và thưởng thức
Bạn xếp tôm, thịt bò, đậu hũ, cá viên và các loại rau ăn kèm xung quanh nồi lẩu. Cho bún ra đĩa, bày quanh nồi lẩu cùng với chén nước chấm.
Khi nước lẩu đã hoàn thiện và chuẩn bị ăn, bạn cho bắp vào trước để nước dùng thêm ngọt, sau đó nhúng các nguyên liệu khác rồi thưởng thức.
>>>>>Xem thêm: Cá trê kho gừng vàng ươm, ấm bụng cho bữa cơm gia đình
Xếp các nguyên liệu xung quanh nồi lẩu rồi thưởng thức
Yêu cầu thành phẩm
Thành phẩm món lẩu Thái đạt yêu cầu hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên, nước lẩu phải có độ trong hấp dẫn, pha chút đỏ của cà chua và chút sánh vàng của sa tế. Nước lẩu có vị chua cay đậm đà của các gia vị và vị ngọt tự nhiên của nước hầm xương. Tôm, thịt, rau củ… đều tươi ngon và được trình bày một cách đẹp mắt.
Lưu ý khi nấu lẩu Thái
Hương vị đặc trưng của lẩu Thái là chua cay nên thường sử dụng nhiều ớt, do đó món ăn này không thích hợp với đa số trẻ em. Nếu bạn không ăn được cay thì có thể giảm lượng ớt lại, tuy nhiên ít nhiều vẫn phải có.
Cách nấu lẩu Thái tại nhà như vậy là đã hoàn thành xong, không quá cầu kì hay phức tạp. Bước quan trọng khi nấu lẩu chính là nấu nước dùng, tuy nhiên nước dùng lẩu Thái lại khá đơn giản vì đã có gia vị Thái đặc biệt, vì vậy không tốn nhiều thời gian hay công sức.
Giờ đây, chỉ cần có thời gian rảnh, bạn có thể áp dụng ngay công thức trên để chế biến lẩu Thái cho cả nhà. Nồi lẩu Thái nóng hổi, sôi sùng sục với vị chua cay đậm đà mà thưởng thức vào ngày mưa hay tiết trời lành lạnh thì còn gì tuyệt vời hơn?
Chúc các bạn thực hiện thành công và có những bữa ăn ngon miệng!